UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91451

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 11

Hôm qua: 0

Phòng, chống dịch COVID-19 tại Ninh Bình: Sau hai năm nhìn lại

Thứ năm, 09/12/2021

Trong hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và luôn có sự biến đổi khó lường, gây ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch. Trước tình hình đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã chủ động bám sát thực tiễn để dự báo diễn biến dịch bệnh, xác định phòng dịch từ xa, đặt công tác phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn so với thực tế; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị sẵn sàng huy động tối đa nhân lực, vật lực, kịp thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, luôn kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo môi trường an toàn, đảm bảo đời sống, sản xuất cho các lực lượng xã hội.

 

Chủ động các biện pháp phòng dịch

 

Theo thống kê, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện cho đến ngày 30/11/2021, tỉnh Ninh Bình ghi nhận 471 ca dương tính với SARS-COV-2, trong đó, có 279 ca đã điều trị khỏi và ra viện; 21 ca chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội và hiện còn 170 ca đang điều trị. Hiện tại tỉnh Ninh Bình có 5 cơ sở thu dung, đang điều trị các ca bệnh COVID-19 (F0) tại các Phòng khám Đa khoa khu vực.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4, khi dịch bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước vào tháng 4/2021, tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch một cách khá hiệu quả. Ngay cả khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng đầu tiên thì tỉnh ta cũng đã kịp thời xử lý, khoanh vùng, dập dịch và bóc tách thành công F0 khỏi cộng đồng. Có thể khẳng định, sau 2 năm chống dịch COVID-19, tính đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Có thể nói, tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường, vì vậy đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải chủ động, linh hoạt để phù hợp với thực tế ở từng thời điểm. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, quá trình phòng, chống dịch trong suốt 2 năm qua đã được ngành Y tế, Công an, Quân sự và các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng các phương án, kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xảy ra, luôn sẵn sàng chủ động phương án “4 tại chỗ”. UBND tỉnh cũng đã kịp thời phê duyệt kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến, xác định bệnh viện điều trị và phân tầng điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2. Đồng thời đã chỉ đạo các địa phương, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh rà soát, bố trí các địa điểm cách ly tập trung để luôn chủ động, sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh xảy ra. Triển khai hướng dẫn xây dựng các phương án ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong thời gian tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 ...

Để chủ động phát hiện và phòng ngừa dịch bệnh, tỉnh Ninh Bình luôn thực hiện rà soát và lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Đã xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế, các đối tượng là chuyên gia người nước ngoài, tất cả các bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện; thực hiện xét nghiệm cho những đối tượng có nguy cơ cao, thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên từ 25-30% công nhân, người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện xét nghiệm diện rộng, tùy tình hình dịch bệnh của từng thời điểm, UBND tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo triển khai hàng loạt các biện pháp phòng dịch cấp bách khác như: Thành lập các chốt kiểm soát tại các điểm đầu mối giao thông ra vào tỉnh để kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh Ninh Bình thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19; tạm dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động dịch vụ không cần thiết; thực hiện hạn chế các hoạt động tập trung đông người tại các địa điểm phục vụ ăn uống…

Một trong những yếu tố quan trọng đem lại sự chủ động, hiệu quả, thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, luôn chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, cùng với cách làm riêng, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng thời điểm. Để có được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và sự đồng thuận của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác thông tin tuyên truyền luôn được chú trọng, được triển khai trước một bước với nhiều hình thức phong phú, cụ thể từng nội dung, ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với từng đối tượng được các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn tích cực đưa tin, phản ánh sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân để các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nắm bắt được chủ trương, định hướng và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó là sự phát huy tích cực vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với vai trò không nhỏ của hệ thống giám sát y tế cơ sở, công an xã và tổ COVID-19 cộng đồng đã thực hiện “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm chắc sự biến động dân cư trên địa bàn từng ngõ, ngách, thôn, xóm, phát động phong trào tự giác, phát giác để kịp thời phát hiện những người đến, trở về trên địa bàn không thực hiện khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực… để luôn kiểm soát tình hình dịch bệnh trên từng ngõ, ngách, thôn, xóm của từng địa phương và trong toàn tỉnh.

Thực hiện khẩu hiệu: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng triệt để - Dập dịch quyết liệt, trong 2 năm qua, tính đến ngày 30/11/2021, tỉnh ta đã thực hiện cách ly và giám sát đối với 94.457 trường hợp, trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 2.328 trường hợp; cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung 20.744 trường hợp; cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú 71.385 trường hợp. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 381.244 trường hợp. Đặc biệt đã khoanh vùng, khống chế, dập thành công 4 ổ dịch trên địa bàn tỉnh.

Với quan điểm: “Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết” và “Cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc-xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã triển khai an toàn, hiệu quả tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho tất cả những người dân trên địa bàn tỉnh với tổng số vắc-xin đã nhận là 1.280.654 liều, tỉnh ta đã triển khai tiêm 1.322.395 liều. Trong đó, tỷ lệ tiêm tối thiểu 1 mũi đạt 93,8% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bìnhtỷ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 87,8% tổng dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình; thực hiện tiêm cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi là 113.485 liều, đạt 92,93% dân số độ tuổi... Hầu hết phản ứng sau tiêm ở mức độ nhẹ, ghi nhận 1 trường hợp phản ứng nặng, sau xử trí ổn định và hồi phục hoàn toàn.

Cùng với nỗ lực trong phòng, chống dịch, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án phòng ngừa, xử lý các vụ việc phức tạp, tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trong bối cảnh dịch bệnh. Trong 2 năm qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.518 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch, xử phạt hành chính với số tiền trên 4,8 tỷ đồng; 3 cơ sở đầu cơ tăng giá các loại hàng vật tư y tế, 10 vụ vận chuyển 389.000 khẩu trang, 8.000 găng tay, 1.000 que test nhanh COVID-19 và 2.300 quần áo bảo hộ y tế không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc; phát hiện 50 trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận liên quan đến dịch bệnh... Những nỗ lực đó đã góp phần răn đe và nâng cao tính tự giác của tổ chức, cá nhân chấp hành quy định về phòng chống dịch.

Để tăng cường nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân đã tích cực vào cuộc, chung tay, góp sức ủng hộ bằng tiền, máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 82 tỷ đồng, đến nay, tỉnh ta đã phân bổ, sử dụng trên 42 tỷ đồng.

 

An sinh xã hội được đảm bảo

 

Với mục tiêu vừa phòng dịch an toàn, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh ta cũng đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong năm 2020, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh ta đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 100.736 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 10.853 người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo với tổng kinh phí 130.204,8 tỷ đồng.

Tiếp đó, trong năm 2021, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.

Tính đến ngày 30/11/2021, đã có 2.549 đơn vị, doanh nghiệp với 103.983 người lao động được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng là 11,831 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 1 đơn vị với 67 người lao động; đã giải ngân cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 5 người sử dụng lao động với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng; thực hiện thẩm định hồ sơ ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ 13.232 đối tượng với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả cho 10.225 đối tượng với số tiền trên 17 tỷ đồng.

Cùng với việc tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Với tinh thần quyết tâm cao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh có trên 9 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến ngày 30/11/2021, đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của 7.539 người với kinh phí là 11,3 tỷ đồng, đã thẩm định và ra quyết định phê duyệt cho 6.302 người với kinh phí tương ứng là 9,45 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả cho 5.189 người với 7,783 tỷ đồng. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tăng cường công tác phòng, chống dịch và ổn định sản xuất tại các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất. 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch “3 tại chỗ”, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của những người dân tỉnh Ninh Bình đang cư trú tại các địa phương trên, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 21/9/2021 về đón người dân Ninh Bình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Qua 2 đợt đón, đã có gần 1.200 người dân Ninh Bình thuộc những đối tượng yếu thế được hỗ trợ toàn bộ chi phí, đón về quê an toàn. Kế hoạch 146 được đánh giá là đã hiện thực hóa chủ trương chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân an toàn trong đại dịch, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”, được chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đồng tình ủng hộ cao. Bên cạnh đó, trên đường bộ, từ đầu tháng 10/2021, người dân đã tự phát di chuyển về quê bằng xe ô tô, xe máy, đi bộ về tỉnh và qua tỉnh về quê, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị thực phẩm, thức ăn, đồ uống để hỗ trợ người dân tự phát di chuyển qua tỉnh, đồng thời đã đón, dẫn 21 đoàn chủ yếu là người đi xe máy và ô tô với gần 10.000 người từ các tỉnh phía Nam về và di chuyển qua địa phận tỉnh Ninh Bình, đã điều động gần 100 lượt xe ô tô tham gia vận chuyển người dân và hơn 700 xe máy di chuyển qua tỉnh Ninh Bình tiếp tục đi về các tỉnh phía Bắc.

Các ngành chức năng và các địa phương, đơn vị cũng đã tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19; những lao động trở về từ ngoại tỉnh để họ sớm quay trở lại thị trường việc làm, ổn định cuộc sống.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, cụ thể, chủ động, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19, kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển.

Nguồn Cổng TTĐT tỉnh