UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91452

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 12

Hôm qua: 0

Nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

Thứ ba, 21/11/2023

Xâm hại trẻ em là vấn đề nhức nhối, để lại những hệ lụy lớn đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này, Công an tỉnh đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

 

Nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

 

Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em tại Trường THPT Yên Khánh A.

 

Theo Luật Trẻ em năm 2016: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Những hình thức xâm hại trẻ em phổ biến gồm có: Bạo lực, bóc lột trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; Mua bán, bắt cóc, giam giữ trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em. Tội phạm xâm hại trẻ em đã được quy định thành các tội danh độc lập trong Bộ luật Hình sự.

Trong những năm qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Do vậy tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh được kiềm chế; không xảy ra vụ việc phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Các tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em đều được tiếp nhận, phân loại, giải quyết, kết luận kịp thời, nhanh chóng theo đúng quy định của pháp luật. Các biện pháp điều tra thân thiện với người bị hại, người làm chứng là trẻ em đặc biệt được chú trọng. 

Tuy nhiên, số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2013 - 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 147 vụ xâm hại trẻ em, tập trung ở các hành vi: Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội dâm ô người dưới 16 tuổi; cố ý gây thương tích cho người dưới 16 tuổi; mua bán người dưới 16 tuổi. Riêng trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ xâm hại trẻ em, gồm: 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 4 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 2 vụ dâm ô người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi; 1 vụ mua bán người dưới 16 tuổi. 

Qua thực tiễn cho thấy, yếu tố chủ yếu tác động đến tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh là do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường như phát triển không đồng đều giữa nông thôn và thành thị; ảnh hưởng của dịch bệnh; tình trạng thất nghiệp; sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em. 

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân không nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em bị coi nhẹ; nhận thức của một số gia đình đối với các nguy cơ về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế. Nhiều vụ án xảy ra xuất phát từ việc gia đình không quan tâm, quản lý, chăm sóc các em trong cuộc sống hàng ngày. Nhóm con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, hoạt động phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhất là trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chưa có sự quan tâm đúng mức của các sở, ngành có liên quan và Công an các huyện, thành phố. Ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm của một bộ phận người dân chưa cao. Trong nhiều vụ việc, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Quá trình điều tra, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề ủy thác điều tra, trưng cầu giám định, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng sẽ còn diễn biến khó lường, tiềm ẩn phức tạp. Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, Công an tỉnh đã xác định những giải pháp đồng bộ, lâu dài để kiềm chế, ổn định tình hình tội phạm. Trong đó tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh, thiếu niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, vận động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Xây dựng và nhân rộng mô hình "Phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em ở địa bàn cơ sở". 

Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm, nhất là số có tiền án, tiền sự, quá khứ phạm tội hoặc có biểu hiện nghi vấn liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Siết chặt công tác quản lý cư trú và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT như vũ trường, quán Bar, Lounge, Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. 

Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, xây dựng "đường dây nóng", hòm thư tố giác tội phạm. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm. 

Phối hợp với các ngành tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội, trò chơi trực tuyến có nội dung kích động, cổ súy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ người chưa thành niên phạm tội. 

Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác về phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán người.

                       

      Đại tá Tống Như Sơn

 Phó Giám đốc Công an tỉnh