UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91484

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 44

Hôm qua: 0

Nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh bằng vắc xin

Thứ hai, 03/04/2023

Thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về việc tiêm chủng phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm. Qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe bản thân mỗi người và cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm.

 

Nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh bằng vắc xin

 

Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân chú trọng hơn đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh.

 

Theo hướng dẫn của nhân viên y tế thôn, mấy năm nay, chị Đinh Thị Hương Lan, xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh) cho con đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chị Hương Lan cho biết: Hiện con tôi gần 4 tuổi. Bé được gia đình đưa đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo. Cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tôi thấy sức khỏe của con khá tốt, không hay mắc các bệnh thường gặp theo mùa như cúm, ho, sốt, tay chân miệng, viêm phổi...

 

Ông Trần Văn Hùng, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) năm nay gần 70 tuổi chia sẻ, nhiều năm nay, ông đều đặn tiêm phòng cúm 2 lần/năm bằng hình thức tiêm dịch vụ. Việc tiêm phòng các mũi vắc xin cần thiết trong thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi liên tục xuất hiện và lây lan như hiện nay giúp ông cảm thấy yên tâm hơn, như "lá chắn" giúp bảo vệ cơ thể đỡ bị vi rút, vi khuẩn xâm nhập. Theo ông Hùng, các cơ sở y tế hiện nay, đặc biệt là các phòng tiêm chủng chất lượng cao trên địa bàn thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng, chống các bệnh cho trẻ em và người lớn. 

 

Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo các chuyên gia y tế, qua nghiên cứu thực tế cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già. Việc tiêm phòng vắc xin theo chương trình mở rộng đã và đang góp phần thanh toán và loại trừ nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, việc tiêm chủng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe của mỗi người mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng, tránh việc bệnh bùng phát thành dịch.

 

Tại Ninh Bình, hiện có hai hình thức sử dụng vắc xin là tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985. Mỗi năm có hàng vạn liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, rubella... Nhờ duy trì công tác tiêm chủng mở rộng, hiện nhiều loại bệnh dịch đã được thanh toán hoàn toàn như: bại liệt, uốn ván sơ sinh; tỷ lệ trẻ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em hàng năm đều giảm đáng kể.

 

Nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh bằng vắc xin

 

Chuyên gia cao cấp của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng GAVI kiểm tra công tác bảo quản vắc xin tại Ninh Bình vào giữa tháng 3/2023.

 

Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã đáp ứng nhiều loại vắc xin trong phòng bệnh như: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, viêm gan, viêm màng não liên cầu... Cùng với đó, các Trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; các bệnh viện, phòng khám tư nhân còn triển khai tốt việc tiêm chủng dịch vụ, với nhiều loại vắc xin như: cúm, viêm phổi, viêm gan, tiêu chảy cấp, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu...

 

Năm 2022, Ninh Bình đã triển khai tiêm 234.046 mũi tiêm các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, tại Trạm y tế là 180.612 mũi tiêm, tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ là 53.434 mũi tiêm. Có 145.269 mũi tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, 70.662 mũi tiêm cho trẻ 1-5 tuổi, 18.115 mũi tiêm cho phụ nữ có thai. Riêng với tiêm phòng vắc xin COVID-19, tính đến hết năm 2022, tổng số mũi tiêm đã thực hiện cho người từ 5 tuổi trở lên là 2.871.887 mũi; trong đó, đối tượng từ 18 tuổi trở lên là 2.396.973 mũi, từ 12-17 tuổi là 238.010 mũi và từ 5-11 tuổi là 236.904 mũi tiêm.

 

Quy trình tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định của Bộ Y tế. Vắc xin được bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và được cấp cho Trung tâm y tế các huyện, thành phố hàng tháng trước ngày tiêm chủng. Các Trạm y tế đến Trung tâm y tế huyện lấy vắc xin vào buổi tiêm chủng và trả lại vắc xin chưa sử dụng vào cuối ngày tiêm chủng. Kết quả tiêm chủng theo tháng, năm được tổng hợp theo biểu mẫu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

 

Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu cho Sở Y tế chủ động nguồn vắc xin, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho trẻ em và người dân trên địa bàn. Cùng với đó, Trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị y tế trong ngành, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền về chương trình tiêm ngừa, tiêm chủng mở rộng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ y tế thực hiện quy trình tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn sau tiêm chủng...

 

Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tiêm vắc xin có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo khảo sát, có khoảng 80-95% người được tiêm vắc xin sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm vắc xin không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. 

 

Bài, ảnh: Hạnh Chi