UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91461

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 21

Hôm qua: 0

Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước về văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình – Thực trạng và giải pháp

Thứ năm, 22/12/2022

Trong những năm qua, việc xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật luôn là nội dung quan trọng được Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, nhất là từ khi Nghị quyết số 23 - NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được ban hành đã mở ra cơ hội mới cho xây dựng, phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật. 

 

Quán triệt quan điểm của Nghị quyết số 23-NQ/TW, xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước, của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, cải thiện đời sống tinh thần của Nhân dân. Xác định rõ tầm quan trọng, vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả cao những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về  xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong trong thời kỳ mới, cụ thể là:

 

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật.

 

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển của Hội văn học nghệ thuật tỉnh, các chi hội trực thuộc; cơ chế, chính sách cho văn nghệ sỹ và hoạt động văn học, nghệ thuật. Tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, thường xuyên củng cố, kiện toàn kịp thời Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Thường trực Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tác và có uy tín, năng lực đoàn kết, quy tụ, phát huy sức sáng tạo của hội viên. Ban hành, thống nhất chủ trương để Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Hội Văn học nghệ thuật phát triển, thu hút, đãi ngộ văn nghệ sỹ, nhất là tài năng văn học, nghệ thuật,... Làm tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sỹ, hiện có trên 50% hội viên là đảng viên, nhiều hội viên có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

 

Ngay sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW cho gần 300 cán bộ chủ chốt của tỉnh; ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 21/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Để có căn cứ, cơ sở khoa học lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo, chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, các sự kiện chính trị, văn hóa; tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nhằm nghiên cứu, xác định truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xác định đặc trưng văn hóa, con người Ninh Bình. Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học: Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững, làm cơ sở khoa học để ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, trong đó xác định những dặc trưng văn hóa, con người Ninh Bình. Năm 2018, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Vai trò của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”.

 

Các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy Ninh Bình ngày 24/11/2021

 

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 22-CT/TU đến đông đảo các văn nghệ sỹ, những người hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 100% các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 22 - CTr/TU đến đội ngũ cán cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ, đảng viên cơ sở và đoàn viên, hội viên. 100% Ban Thường vụ các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc ban hành chương trình hành động, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23 - NQ/TW. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và một số ban ngành, đoàn thể đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức học tập và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật như: Thông báo Kết luận
213-TB/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”; Chỉ thị 46 - CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33 - NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI ) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Qua học tập, quán triệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Xác định văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, UBKT các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác văn hóa, trong đó lĩnh vực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh uỷ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Văn hoá và Thể thao, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình Ninh Bình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh kiểm tra, khảo sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 – NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về văn hoá, văn học, nghệ thuật; kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết có hiệu quả, sát thực các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; rút kinh nghiệm khắc phục những tồn tại, hạn chế, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết (tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW; 5 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, ban hành Kết luận số 90-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 10 đối với tập thể và một số cá nhân trong Ban Thường vụ huyện ủy Yên Mô; Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể thao; Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh,...).

Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên, chia sẻ, giải đáp, định hướng và giải quyết khó khăn, vướng mắc, các đề xuất kiến nghị của văn nghệ sỹ, định kỳ, hằng năm Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, làm việc với Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại biểu văn nghệ sỹ. Trong một số buổi gặp mặt, trên cơ sở báo cáo kết quả của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh, các ý kiến của đại biểu văn nghệ sỹ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

 Công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý về lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo, tạo điều kiện để cán bộ trong tỉnh tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về văn học, nghệ thuật do Trung ương tổ chức; đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, ngành văn hóa, thể thao tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng tại tỉnh.

Cấp ủy các cấp chú trọng công tác bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho đội ngũ văn nghệ sỹ; cung cấp thông tin, định hướng chủ đề để văn nghệ sỹ đi sâu vào thực tiễn đời sống, sáng tạo các tác phẩm chân thực, sát nhu cầu công chúng, đúng định hướng tư tưởng của Đảng, nhất là các đề tài về lịch sử, đất và người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước. Thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin trên mạng internet; chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ thị số 46 - CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; quan tâm tuyên truyền phòng, chống tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại. Kịp thời định hướng chính trị tư tưởng cho các văn nghệ sỹ, báo chí trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Thứ hai, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn họa – nghệ thuật

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 23 và các chủ trương của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp coi trọng việc cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách, kế hoạch, quy hoạch cụ thể. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với văn nghệ sỹ và hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ tiền lương, nhuận bút, chính sách đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng đặc thù lao động nghề nghiệp; chính sách thu hút văn nghệ sỹ có tài năng về công tác tại tỉnh, nhất là số các em học sinh, sinh viên người Ninh Bình đang được đào tạo tại các trường nghệ thuật trong cả nước; thực hiện chế độ ưu đãi đào tạo, tổ chức cho văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, ca ngợi quê hương, đất nước, con người Ninh Bình (đầu tư 10 tỷ đồng làm bộ phim Đinh Tiên Hoàng đế; đầu tư 100 triệu đồng đặt hàng cho một nhà văn, hỗ trợ máy ảnh trị giá 106 triệu đồng cho một nghệ sỹ nhiếp ảnh, hỗ trợ xuất bản sách cho các tác giả văn học có tác phẩm chất lượng cao,...; tăng 200% lương cho diễn viên Nhà hát chèo Ninh Bình, bổ sung xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật.

UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các Kế hoạch phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình cho từng giai đoạn; Kế hoạch triển khai thi hành bảo hộ Quyền tác giả trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Duy trì tổ chức tốt hoạt động của giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình; ban hành quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục, thể thao phổ thông, điểm vui chơi cho trẻ em gắn với xây dựng nhà văn hóa,…. Triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án như: Đề án “Khôi phục bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm”, Đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể,...; dự án tôn tạo, bảo vệ di tích Cố đô Hoa Lư; triển khai thực hiện chủ trương mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn Chèo Ninh Bình và nâng cấp thành Nhà hát Chèo Ninh Bình; củng cố, nâng cấp Thư viện tỉnh, Nhà Bảo tàng tỉnh, rạp chiếu phim; xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Kế hoạch Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch về nghiên cứu, sản xuất phim hoạt hình “Danh nhân Ninh Bình”,...

Các sở, ngành tổ chức có hiệu quả việc thẩm định, cấp giấy phép nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu do các tổ chức thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu; thẩm định chặt chẽ các chương trình biểu diễn nghệ thuật có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động văn học, nghệ thuật; kiểm tra, xử lý nghiêm việc mua bán, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm vă​n hóa đồi trụy, xuất bản phẩm,...

Thứ ba, văn học, nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật quần chúng được quan tâm phát triển

Các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm truyền thống”; biên tập, đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, nhất là Hát chèo, hát xẩm, múa rối nước vào các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, THPT trong tỉnh; dự án “Sân khấu học đường”. Truyền dạy nghệ thuật hát xẩm, gìn giữ hiệu quả nghệ thuật hát chèo và bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của dân tộc Mường;…

Thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2022”, Sở Văn hóa và Thể thao đã Phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia và Đại học Temple (Hoa Kỳ) tham mưu tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại”, phối hợp mở lớp truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm tại hai huyện Kim Sơn và Yên Khánh; Sản xuất 02 bộ phim tài liệu: “Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình” và “Xẩm Cố đô - Một hành trình di sản”, trong đó phim tài liệu “Xẩm Cố đô – Một hành trình di sản” đã được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình, toquocTV (Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); thẩm định, mua bản quyền phim tài liệu “Xẩm đỏ”,…

Hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, cả chiều rộng và chiều sâu, thu hút được nhiều văn nghệ sỹ, quần chúng nhân dân tham gia. Đội ngũ văn nghệ sỹ đã bám sát định hướng chính trị, chủ đề và thực tiễn đời sống, sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, có nội dung tư tưởng nghệ thuật tốt, đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống, thực tiễn xã hội, bám sâu và hòa quyện giữa miền quê Ninh Bình với các miền quê khác của đất nước; có nhiều tác giả, tác phẩm đã đạt giải cao trong khu vực và toàn quốc. Hàng trăm vở diễn, hàng vạn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn, thơ, các bài viết, bài nghiên cứu, lý luận, sưu tầm, đăng tải trên các sách, báo, tạp chí địa phương, trung ương, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. 100% hội viên Bộ môn có tác phẩm được phổ biến trong phong trào ca nhạc của tỉnh cũng như toàn quốc. Các tác giả sáng tác thường xuyên có vở mới và được các đoàn nghệ thuật Trung ương, địa phương dàn dựng công diễn. Nhà viết kịch Đăng Thanh được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Một trong những điểm mới trong hoạt động quảng bá văn học nghệ thuật thời gian gần đây tại Ninh Bình đó là việc đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với du lịch.

Hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; có nhiều khởi sắc cả về mặt sáng tác và biểu diễn, nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, chi hội văn học nghệ thuật được thành lập ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân trong tỉnh và rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa khu vực nông thôn, miền núi và thành thị. Đến nay toàn tỉnh có 2 Câu lạc bộ cấp tỉnh, 181 Câu lạc bộ cấp huyện và 837 tổ, đội nhóm văn nghệ quần chúng ở cơ sở, thu hút hàng nghìn diễn viên, hội viên không chuyên tham gia.

Các mô hình, điển hình trong hoạt động sáng tác, quảng bá, bảo tồn văn học nghệ thuật xuất hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh như: Mô hình truyền dạy nghệ thuật hát xẩm trong thanh thiếu niên huyện Yên Mô; Câu lạc bộ Thơ huyện Gia Viễn với nhiều tác phẩm có giá trị cả về tính nghệ thuật và tính chính trị xã hội.

Thứ tư, xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, nghệ thuật và hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn, phục vụ hoạt động biểu diễn, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật

Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được quan tâm, củng cố. Nhà hát chèo Ninh Bình trên cơ sở được nâng cấp từ Đoàn Chèo Ninh Bình đã dàn dựng các vở chèo, biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước; có 01 tác giả kịch bản được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; 01 nghệ sỹ được tặng danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân, 10 nghệ sỹ được tặng danh hiệu nghệ sỹ Ưu tú; 06 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, bố trí ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển, văn hóa, con người theo kế hoạch hằng năm, trung hạn, dài hạn một cách hợp lý, đồng thời mở rộng xã hội hóa, tăng cường nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hóa. Các công trình văn hóa, nghệ thuật được quan tâm đầu tư xây dựng, ngày càng được hoàn thiện nhằm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các công trình văn hóa ở tỉnh đã được đầu tư xây dựng: Nhà Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà thi đấu thể dục thể thao, sân vận động được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị. Nhiều công trình nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tủ sách, sân vận động... được xây dựng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia xây dựng, vận hành rạp chiếu phim, cơ sở thể thao, hỗ trợ, ủng hộ xây dựng, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao tại các nhà văn hóa cấp xã, cấp cơ sở.

Quan tâm đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại để Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình phát triển theo kịp xu thế chung của ngành. Đầu tư nâng cấp Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Ninh Bình thành Báo Ninh Bình điện tử. Đầu tư nâng cấp, đổi mới hoạt động hệ thống đài truyền thanh ba cấp, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa và các xã bãi ngang ven biển Kim Sơn.

Hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn được quan tâm củng cố, xây dựng, phát triển và từng bước hiện đại hóa đã bám sát định hướng tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, trong đó tuyên truyền đậm nét các hoạt động văn học, nghệ thuật, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp vùng đất, con người Ninh Bình đến với Nhân dân trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, thường xuyên ra các số đặc biệt phục vụ các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước; có giải pháp hiệu quả thu hút, đãi ngộ đội ngũ cộng tác viên, nâng cao chất lượng, tăng số lượng phát hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh còn những mặt hạn chế như:

Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, sơ kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật và tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển.

Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất.

Công tác đào tạo cho đội ngũ văn nghệ sỹ và những người làm công tác quản lý văn học, nghệ thuật chưa thực sự thường xuyên. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Số lượng tác phẩm được công bố, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều. Công tác phê bình văn học, nghệ thuật, khuyến khích hội viên các chi hội văn học nghệ thuật, các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý, phê bình nâng cao chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật còn hạn chế.

Hoạt động bảo tôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia thường xuyên.

Bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đó là:

Một là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan địa phương đơn vị cần quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng, chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tàng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự tham mưu, thực hiện kịp thời, hiệu quả của Ban Tuyên giáo và cơ quan chuyên môn; có sự phối hợp và thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. 

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, có phân công nhiệm vụ rõ ràng, có hướng dẫn, định hướng kịp thời. Kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Ba là, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ, thường xuyên củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, chăm lo đời sống đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Một số giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Tập trung sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chủ đề công tác năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Kỷ cương, trách nhiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính”. Coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc và định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh.

Thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật bằng cơ chế, chính sách cụ thể, trong đó thường xuyên quan tâm chính sách đầu tư cho sáng tác, biểu diễn, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, các tài năng trẻ, gắn với chế độ khen thưởng, khuyến khích kịp thời.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các nghị quyết, nhất là vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh: Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sực chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thứ ba, kịp thời kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và hoạt động ở các cơ quan, đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phân công đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực văn học, nghệ thuật là những người tâm huyết, có khả năng nắm bắt, hiểu rõ đặc thù lĩnh vực.

Bổ sung các cơ chế, chính sách và sử dụng phù hợp, hiệu quả đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật. Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ tài năng văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích, thu hút ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên tài năng về công tác tại tỉnh; chính sách khen thưởng tài năng, nghệ sĩ, nghệ nhân có tác phẩm đạt giải ở các cuộc thi, triển lãm do Trung ương và quốc tế tổ chức. Đặc biệt, khuyến khích văn nghệ sỹ coi trọng hiệu quả xã hội, thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật, phát huy tối đã sức ảnh hưởng của văn học, nghệ thuật đến đông đảo quần chúng Nhân dân trong việc khẳng định cái mới, cái tích cực và phê phán những cái tiêu cực cản trở sự phát triển của quê hương, đất nước.

Thứ tư, củng cố phát triển nâng tầm chất lượng văn học, nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc, đậm nét văn hóa, con người Việt Nam, tiếp thu văn hóa, nhân loại. Củng cố và đổi mới hoạt động, tăng cường tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; quan tâm linh hoạt, cụ thể đến đời sống của lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh vững mạnh theo hướng toàn diện cả về số luợng và chất lượng.

Đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Kịp thời kiện toàn công tác tổ chức, bộ máy văn học nghệ thuật trong tỉnh tinh gọn, đủ năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời trở thành nòng cốt cho các hoạt động phong trào, có đủ khả năng tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo các hoạt động văn học, nghệ thuật có hiệu quả và đúng định hướng. Xây dựng, phát triển Tạp chí Văn nghệ cả về chất lượng và số lượng phát hành, quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng, nhất là ở cơ sở, địa bàn khó khăn về kinh tế - xã hội; đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học.

Thứ năm, hình thành và nâng cao chất lượng các danh hiệu, giải thưởng liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam và liên quan đến văn học, nghệ thuật. Thường xuyên phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật đưa vào cuộc sộng. Tổ chức các trại sáng tác tổng hợp, các trại sáng tác chuyên ngành, trại sáng tác văn học, nghệ thuật trẻ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, các cuộc hội thảo, tọa đàm, các cuộc triển lãm, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Đăng cai triển lãm liên hoan khu vực. Tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Phát hiện, bồi dưỡng, mở lớp năng khiếu sáng tác văn học, nghệ thuật.

Khuyến khích các nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, quần chúng có uy tín tham gia sáng tác, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc; chủ động đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 

Thứ sáu, tăng cường liên kết với các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các hội chuyên ngành ở Trung ương và các ban, ngành, của tỉnh để tạo môi trường tốt thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của Nhân dân.

Tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác văn học nghệ thuật với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước nhằm giới thiệu quảng bá đất và người Ninh Bình, các giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử và các Di sản văn hóa tiêu biểu, đặc biệt giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Thúc đẩy, khuyến khích sáng tác văn học nghệ thuật về du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh Ninh Bình tinh tế mang đậm sắc thái nghệ thuật.

Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình