UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91484

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 44

Hôm qua: 0

Hội nghị Ban Chỉ Đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Ninh Bình

Thứ hai, 19/07/2021

Chiều ngày 19/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 tỉnh Ninh Bình đã họp để nghe báo cáo tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm không để dịch xâm nhập cộng đồng. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 của tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo. 

 

 

Quang cảnh hội nghị

 

Theo Báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch Covid 19 trên cả nước đang hết sức phức tạp. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước từ ngày 27/4/2021 đến nay lên tới hơn 50.000 người tại 58/63 tỉnh/thành phố, trong đó Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là những địa phương có ca nhiễm tăng nhanh nhất. Theo đánh giá, đây là đợt lan rộng nhất tại Việt Nam, với biến chủng Delta, trung bình 2-3 ngày một chu kỳ nên tốc độ lây rất nhanh, phạm vi rộng, tấn công nhiều bệnh viện, khu công nghiệp, xuất hiện nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây trong cộng đồng.

Tại Ninh Bình từ ngày 2/4/2021 đến nay, ghi nhận 28 trường hợp dương tính với Sars – Cov 2, nhưng tất cả các trường hợp này đều đã được cách ly từ trước đó, không phải lây nhiễm trong cộng đồng do đó về cơ bản dịch vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nguy cơ Ninh Bình có ca lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao do người từ vùng dịch về Ninh Bình rất khó kiểm soát đặc biệt là từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ về tránh dịch với số lượng lớn.

Trước diễn biến mới của dịch, Ban chỉ đạo của tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn với nhiều nội dung đã được điều chỉnh phù hợp, trong đó có phân làm 5 cấp độ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Sars cov 2, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Tuy nhiên, để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đặc biệt là có văn bản cụ thể để người dân thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế nhất là khai báo y tế bắt buộc đối với những người từ vùng dịch về, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm đồng thời tích cực xã hội hóa việc mua vắc xin, trang thiết bị y tế; mở rộng, củng cố tăng cường cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, trong đó cần thống nhất quy mô, rà soát đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để có chính sách quan tâm, tháo gỡ, hỗ trợ người dân.

Tại hội nghị một số đại biểu đề nghị củng cố hoạt động, tăng thêm các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến giao thông, xét nghiệm đối với tất cả các lái xe di chuyển đến Ninh Bình, có phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội các địa phương, các khu, cụm công nghiệp, Sở Công thương trong kiểm soát các phương tiện vận tải ra, vào tỉnh. Cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, hỗ trợ xét nghiệm tầm soát triên diện rộng, mở rộng đối tượng người lao động được tiêm vắc xin và thống nhất phần mềm được sử dụng để đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, trong bất cứ trường hợp nào cũng không đóng cửa các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh.

Về công tác điều trị tại các cơ sở y tế, trong từng cấp độ dịch, các đại biểu đề nghị trong kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm, công việc cụ thể của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị trong điều hành, phối hợp, xử lý tình huống. Thường xuyên kiểm tra, rà soát phương án, huy động lực lượng y tế, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhân lực trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch và điều trị người bệnh nhất là việc chuẩn bị bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid, năng lực xét nghiệm, máy thở và oxy.

 

 

Đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid 19  tỉnh phát biểu hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đỗ Việt Anh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn cho rằng công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới phải quyết liệt hơn với đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc” với phương châm “4 tại chỗ” và “3 không”, phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong mua sắm vật tư, trang thiết bị, chi phí xét nghiệm, ứng dụng công nghệ để có dự phòng sớm. Cần đa dạng các hình thức tuyên truyền có thể dưới hình thức phát tờ rơi tới từng hộ gia đình. Lực lượng công an, quân sự, tổ covid cộng đồng tăng cường giám sát, phát hiện di biến về mặt dân số để kiểm soát dịch từ sớm, từ xa. Xử lý nghiêm người đứng đầu không chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên; tăng cường hỗ trợ lực lượng tuyến đầu; công khai số lượng, thời gian, địa điểm, đối tượng tiêm vắc xin. Nếu có chỉ đạo của Chính phủ đón người của địa phương từ vùng dịch về cần thực hiện chặt chẽ, bài bản, cẩn thận không để dịch xâm nhập cộng đồng. Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương để xây dựng các kịch bản đảm bảo cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ cơ quan thực hiện.

 

 

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid 19

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 nhấn mạnh: phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Nguy cơ lây nhiễm trong công đồng là rất lớn. Do đó thời gian tới trên cơ sở thống nhất các nội dung đề xuất, kiến nghị tại hội nghị, đồng chí yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm nhất quán là phải coi sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết và trước hết, phải đảm bảo đủ nguồn lực nhất là tài chính cho công tác phòng chống dịch. Tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị với tinh thần mạnh mẽ, sâu sát, cụ thể, quyết liệt hơn. Cần đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền theo hướng cầm tay chỉ việc, phát huy tối đa vai trò của của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội ở tất cả các cấp. Ngành y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch với phương án cụ thể, ngay từ bây giờ kích hoạt cấp độ 2 đồng thời chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thiết bị, sinh phẩm, nhân lực, cơ sở vật chất. Các huyện, thành phố cụ thế hóa kế hoạch phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể gửi về sở y tế. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, thanh tra, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với công an xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, đảm bảo công khai, đúng quy trình, quy định. Ban quan lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương, các huyện, thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy. Ngành y tế tăng cường tập huấn, chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân lực đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa thực hiện kế hoạch tiêm chủng đảm bảo công bằng, an toàn.

Nguồn Cổng TTĐT tỉnh