UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91452

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 12

Hôm qua: 0

Gia tăng dịch đau mắt đỏ trong các trường học

Thứ năm, 21/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục. Trước tình hình này, ngành Y tế đang khẩn trương phối hợp triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

 

Gia tăng dịch đau mắt đỏ trong các trường học

 

Một lớp học tại Trường Tiểu học Trần Phú ngày 18/9 vắng hơn chục học sinh vì phải nghỉ học điều trị bệnh đau mắt đỏ.

 

Tại trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp), dịch bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện từ những ngày khai giảng năm học mới và lây lan ra nhiều lớp học. Tại lớp 1A, ngày 18/9, có 14/42 học sinh nghỉ học do đau mắt đỏ. Trước đó, đã có nhiều học sinh trong lớp mắc bệnh, được cho nghỉ học điều trị, sau khi khỏi bệnh mới tiếp tục đến lớp, tuy nhiên bệnh vẫn lây lan ra các bạn trong lớp.

 

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A chia sẻ: Tại lớp học đã có học sinh mắc đau mắt đỏ từ những ngày khai giảng, sau đó lan sang các bạn và cả cô giáo. Từ đó đến nay, số học sinh vắng nghỉ ở lớp dao động với khoảng trên dưới 10 học sinh/ngày. Việc dạy và học của cô và trò cũng gặp một số khó khăn, nhất là khi các em vừa mới bước vào học lớp 1. Cô giáo phải bám sát để cùng với gia đình hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho các em.

 

Cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp) cho biết: Hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ sau ngày khai giảng và lây lan rộng trong những ngày gần đây. Hiện nay, lớp ít thì vài học sinh, lớp nhiều có hàng chục em phải nghỉ học do đau mắt. Một bộ phận giáo viên nhà trường cũng mắc bệnh. Dịch đau mắt chung như vậy nên chúng tôi cho các em nghỉ học. Chúng tôi cũng được ngành Y tế hướng dẫn về phòng dịch, vệ sinh, tuyên truyền. Khi các em khỏi bệnh, nhà trường và các giáo viên có trách nhiệm bổ sung kiến thức cho các em trong thời gian tạm nghỉ.

 

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Ninh Bình, tỷ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện tăng nhanh trong vòng 3 tháng qua. Cụ thể là: Tháng 6 có 225 bệnh nhân, tháng 7 là 234 bệnh nhân và tháng 8 tăng lên 445 bệnh nhân (trong đó, số liệu tương ứng cùng kỳ năm 2022 là 110, 127 và 145 bệnh nhân). Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ và có chiều hướng gia tăng nhanh.

 

Điều đáng nói, trong số 445 người đến khám đau mắt đỏ, có 99 người, chiếm 22,2% số người bị biến chứng nặng, có 82 người phải nhập viện điều trị. Như vậy, số trường hợp mắc viêm kết mạc cấp và có biến chứng nặng (viêm kết giác mạc) đến khám và nhập viện điều trị năm 2023 đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

 

Gia tăng dịch đau mắt đỏ trong các trường học

 

 Điều trị cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình.

     

Bác sĩ Phạm Thị Hạnh, Phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Ninh Bình cho biết: Bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa. Các nguyên nhân phổ biến gây ra đau mắt đỏ là do nhiễm virus như Enterovirus, Adenovirus, Herpes. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh. Hoặc do vi khuẩn, do dị ứng với các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật.

 

Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế Ninh Bình đã ban hành văn bản số 2014/SYT-NVY, đề nghị các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các Bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh viện Quân Y 5, Bệnh viện Mắt Hoa Lư; Bệnh xá 145 (Quân đoàn 1); Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ. 

 

Theo đó, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn.

 

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị bệnh đau mắt đỏ, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. 

 

Riêng Bệnh viện Mắt Ninh Bình, Bệnh viện Mắt Hoa Lư theo dõi sát sao tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị, kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường về Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. 

 

Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Hạnh, Phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Ninh Bình, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

 

Khi điều trị bệnh đau mắt đỏ cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt. Đồng thời, cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài.

 

Để chủ động phòng, chống bệnh hiệu quả, cần thực hiện các yêu cầu như: Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc, không dụi mắt, rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi ở nơi công cộng, sử dụng dung dịch vệ sinh tay, mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E...

 

Để tránh lây lan bệnh, người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến khám cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên giữ vệ sinh để đảm bảo không lây truyền cho người xung quanh bằng cách rửa tay thường xuyên trước và sau khi chạm  vào mắt.

 

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh dễ lây lan và nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mắt. Thông thường khi bị bệnh, người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn. 

 

Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh kéo dài và gặp các biến chứng nặng.

 

Nguồn Baoninhbinh.org.vn