UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91448

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 8

Hôm qua: 0

Đề phòng một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi trời lạnh

Thứ năm, 15/12/2022

Người cao tuổi (NCT) sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi, họ rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút..., nhất là vào mùa lạnh, thời tiết rét đậm, rét hại. Theo các bác sĩ, vào mùa đông, các bệnh về viêm phổi, viêm đường hô hấp, các tai biến do tim mạch, các bệnh mạn tính về xương, khớp, đau đầu... thường tăng cao với NCT. Vì vậy, cần đề phòng và chủ động các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ sức khỏe cho NCT khi trời lạnh.

 

Đề phòng một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi trời lạnh

 

Thời tiết trở lạnh khiến số lượng người cao tuổi nhập viện tăng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

Những ngày vừa qua, thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh với nhiệt độ ngoài trời vào sáng sớm và buổi tối chỉ vào khoảng 15-17 độ C. Thời tiết chuyển lạnh đột ngột và kéo dài hàng chục ngày khiến NCT chưa kịp thích ứng, dẫn đến nhiều người đã phải nhập viện điều trị. 

 

Tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phổi Ninh Bình, số bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị tăng lên. Mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân, trong đó bệnh nhân cao tuổi bị viêm phổi chiếm tỷ lệ nhiều hơn. 

 

Bác sỹ Vũ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Ninh Bình cho biết: Bệnh viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Nên trong thời tiết rét lạnh như hiện nay, rất cần thiết phải bảo vệ lá phổi và hệ hô hấp. Qua theo dõi cho thấy, bệnh nhân vào viện đa số đều trong tình trạng nặng, có rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng (như rối loạn ý thức, hô hấp, rối loạn điện giải, đường máu…). 

 

Trong khi đó, thực tế bệnh viêm phổi ở NCT ít khi có khởi phát đột ngột, rầm rộ. Mà bệnh thường âm ỉ, không có biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng không thật sự điển hình. Như sốt thường không cao (khoảng 37,5-38 độ C), có những trường hợp viêm phổi nhưng không sốt do bị suy dinh dưỡng, suy kiệt, nằm lâu...

 

Theo bác sĩ Vũ Thị Bích Thảo, cách phòng bệnh viêm phổi đối với người già khi thời tiết lạnh, giá rét là cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo ấm, thêm khăn quàng cổ, mũ len, đi tất dày. Đồng thời, phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Mùa lạnh nếu có thể, nên lắp lò sưởi hoặc sử dụng bóng điện đỏ cho ấm. Nên chú ý, không đưa bếp than tổ ong hoặc than củi vào sưởi trong phòng rồi đóng kín cửa sẽ gây ngộ độc khí CO, một loại khí độc gây tử vong cao.

 

Tại khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời gian gần đây, thời tiết chuyển rét, mỗi ngày khoa tiếp đón hàng chục người bệnh nhập viện với các biểu hiện bị đột quỵ. Các bác sỹ dự báo, thời tiết liên tục thay đổi, chuyển rét sâu hơn, lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục gia tăng. Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não), là tình trạng mạch máu não bị gián đoạn do hẹp hoặc tắc đột ngột, gây ra thiếu máu tại nhu mô não mà mạch máu đó chi phối. Khi thiếu máu, nhu mô não sẽ bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử.  

 

Đề phòng một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi trời lạnh

 

Tập vận động cho người cao tuổi tại các cơ sở y tế.

 

Bác sỹ Đào Thị Nhâm, Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ như người mắc huyết áp cao; người mắc bệnh lý vỡ xơ mạch, hẹp mạch; người cao tuổi mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, mỡ máu...; những người có bất thường hoặc dị dạng mạch máu não. 

 

Ở NCT, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, kèm theo bệnh tăng huyết áp khi tuổi xế chiều là yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh mạch máu não như bệnh đột quỵ não. Thời điểm dễ xảy ra trong ngày là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể người. Trong các trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh.

 

Theo các bác sĩ, ngoài các bệnh về viêm phổi, đột quỵ, những bệnh thường gặp ở NCT khi trời lạnh như viêm đường hô hấp, chứng tê nhức chân tay, đau mỏi xương khớp... gây khó chịu, giảm sức khỏe đối với NCT. Trong đó, bệnh viêm đường hô hấp thường nhiều người chủ quan, cho rằng bệnh nhẹ, dễ điều trị. Nhưng thực tế, các bệnh về đường hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cũng là mối đe dọa đến tính mạng người bệnh cao tuổi mỗi khi đông đến, trời rét đậm, rét hại, mưa phùn. 

 

Để phòng các bệnh thường gặp khi thời tiết giá rét, khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý để có chế độ sinh hoạt hợp lý. Trong đó, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh. Người già ban đêm hay thức dậy do khó ngủ hoặc do chứng tiểu đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài, sau đó mới ra. Nếu dậy sớm tập thể dục hoặc có việc phải đi ra ngoài cũng làm như vậy. Nhiều trường hợp do thay đổi nhiệt độ quá nhanh, cơ thể người già không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim… hết sức nguy hiểm.

 

Về chế độ ăn uống, mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calo nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Cùng với đó, tập luyện thể dục đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão; giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái. Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Đặc biệt, nên tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh...

 

Nguồn baoninhbinh.org.vn