UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91454

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 14

Hôm qua: 0

Cảnh giác với chiêu trò "Mua hàng được trả lại tiền"

Thứ sáu, 07/10/2022

Sau một thời gian im ắng, thời gian gần đây, các nhóm người lừa đảo với chiêu trò "mua hàng được trả lại tiền" lại liên tục xuất hiện ở một số địa phương. Điều đáng nói, dù chiêu trò không mới nhưng nhiều người cao tuổi vì nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng trở thành nạn nhân của chúng, để rồi ngậm ngùi "dở mếu, dở cười".

 

Cảnh giác với chiêu trò

 

Nhóm thanh niên mượn nhà dân ở xóm 8, xã Kim Chính để tổ chức hội thảo, thu hút hơn 20 người dân tham gia

(Ảnh cắt từ camera do gia đình cung cấp).

 

Chiêu trò cũ, nạn nhân mới 

 

Theo thông tin từ người dân xóm 8, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, vừa qua có một nhóm người mượn địa điểm của nhà dân để tổ chức "Hội thảo tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi". Theo lời giới thiệu của nhóm này "Ai đến tham dự hội thảo cũng có quà mang về và được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí", vì vậy không ít người đã "truyền tai nhau" đến tham dự. 

 

Tại đây, hai người đàn ông lần lượt tặng quà cho mọi người. Quà tặng gồm 1 lọ tinh dầu, 1 chai dầu xoa bóp, 1 chai mật ong. Sau khi đã lấy được lòng tin từ việc tặng quà miễn phí, các đối tượng bắt đầu giới thiệu sản phẩm để bán hàng. Đầu tiên họ đưa ra một số sản phẩm giá trị thấp như viên nghệ mật ong, đông trùng hạ thảo với giá bán từ 100 - 300 nghìn đồng. 

 

Với những ai mua mặt hàng này sẽ được hoàn tiền ngay sau đó theo đúng lời hứa "Mua hàng sẽ được trả lại tiền". Sau khi đã bán hết, nhóm người này tiếp tục đưa ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Được tặng quà miễn phí, lại được mua hàng không mất tiền, nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua hộp sản phẩm mới. Thậm chí, một số người không đủ tiền liền vay mượn mọi người xung quanh. 

 

Bà Vũ Thị Tụng, xã Kim Chính cho biết: "Họ bán cho tôi hộp thực phẩm chức năng nói rằng chiết xuất vi cá mập với giá bán 2,5 triệu đồng/2 hộp. Tôi thấy họ bảo nó chữa được nhiều bệnh lắm. Để chúng tôi tin, người thanh niên mở video có nhiều bà con phản hồi sản phẩm rất hiệu quả. Ai ngờ về nhà, các cháu kiểm tra toàn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng chả lẽ bỏ đi thì tiếc tiền, nên cứ uống thôi…" Mới đây, nhiều người dân xã Thạch Bình, huyện Nho Quan cũng bị lừa mua đồ điện gia dụng với chiêu thức tương tự. 

 

Sau khi được tặng quà, mua một số mặt hàng gia dụng giá trị thấp được trả lại tiền thì nhóm người tiếp tục đưa ra các mặt hàng có giá trị cao nhưng sau đó "ôm" tiền lên xe chạy mất. Cụ thể, để dễ lôi kéo các cụ, các đối tượng bố trí một số người làm "chim mồi". Những người này đóng vai mua hàng với giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, sau đó được trả lại tiền mà vẫn giữ được nguyên số hàng đã mua. Sau khi đã lừa được một cơ số người với đơn hàng từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng, nhóm lừa đảo tung chiêu bài cuối: "Vì số lượng hàng các bác ủng hộ nhiều quá, đã hết hàng nên phải về kho lấy thêm để tặng"! Và rất nhanh chân, cả nhóm lừa đảo đã chạy ra xe "một đi không trở lại"!. 

 

Bà Trần Thị Tần, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan cay đắng cho biết: "Tôi đưa 4 triệu đồng để đặt mua nồi cơm, nồi áp suất, bếp điện, quạt điện thì họ bảo chờ ra xe lấy. Ai ngờ cả người vừa nãy mua hàng với người bán đều nháo nhào chạy lên xe đi mất. Biển số xe thì họ che, lúc đó mới biết bị lừa thì đã quá muộn". Cay đắng hơn, với những người cao tuổi như bà Tần thì việc tích cóp được vài triệu đồng là không hề dễ dàng. Một nửa số tiền hôm đó bà phải vay mượn hàng xóm. Chỉ nghĩ đến đây thôi bà lại cảm thấy xót xa, "cười không được mà khóc cũng chẳng xong"… 

 

Cảnh giác với chiêu trò Mua hàng được trả lại tiền

 

Nhiều người dân xã Thạch Bình, huyện Nho Quan phải "dở khóc dở cười" ôm đống hàng giả, kém chất lượng.

 

Cần nâng cao cảnh giác 

 

Chiêu trò "Mua hàng trả lại tiền" dù không còn mới nhưng nhiều người nhẹ dạ cả tin vẫn "sập bẫy". Các đối tượng này thường hướng tới những người già, người về hưu, thậm chí chúng còn thông qua những hội nhóm uy tín như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi để đi phát giấy mời. Chính vì thế, người dân khi tham gia rất tin tưởng, cộng với chiêu khuyến mại, tặng quà đánh vào lòng tham của nhiều người nên mặc dù tái diễn, các chiêu trò này vẫn lừa được rất nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin. 

 

Nếu trước đây, các nhóm này ngang nhiên hoạt động tại các nhà văn hóa thôn, xóm thì giờ để qua mặt chính quyền địa phương, họ thường thuê các nhà hàng, khách sạn, mượn nhà dân hoặc góc chợ để tổ chức. Hầu hết các chương trình này đều "dành cho các bà, các mẹ", không cho nam giới hoặc người trẻ tuổi tham gia. Chính vì vậy, không ít người cao tuổi thiếu tỉnh táo đã bị chúng lừa gạt, mua hàng với giá đắt hoặc bị bùng tiền rồi cao chạy xa bay. 

 

Anh Hoàng Văn Cường, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có mẹ cũng là nạn nhân từng mua các sản phẩm này cho biết: "Khuyên các cụ suốt mà không hiểu sao cứ lúc mình vắng nhà, các cụ vẫn bị mắc lừa. Đồ điện hỏng thì thôi chứ sợ nhất là các cụ mua mấy loại thực phẩm không rõ nguồn gốc rồi rước thêm bệnh vào người". 

 

Bà Trần Thị Tuyến, xã Kim Chính lý giải: "Phần vì họ nói hay quá, họ nói đúng bệnh mà chúng tôi ai cũng gặp phải. Thành ra chị em cứ người nọ rỉ tai người kia mua để mong có sức khỏe, ai cũng nghĩ các cháu nó chỉ bằng tuổi con mình, đời nào nó lừa…" 

 

Ông Phạm Xuân Sáng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Yên Khánh cho biết: Thời gian qua, Hội đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hội viên nâng cao tinh thần cảnh giác với chiêu trò "Mua hàng trả lại tiền". Song theo công tác nắm tình hình, các đối tượng này vẫn len lỏi vào các khu dân cư để chào mời mua hàng hóa, trong đó chủ yếu là thực phẩm chức năng, sữa, đồ điện gia dụng. Đến khi Hội nhận được tin thì các đối tượng đã dọn dẹp đi mất. Trong khi đó, hầu hết mọi người có tâm lý ngại ngùng, xấu hổ khi biết mình bị lừa nên cũng không báo lại với tổ chức, địa phương. 

 

Ông Phạm Xuân Sáng cũng cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nên đến tham dự và mua hàng theo các chương trình này. Bởi hàng hóa được chào bán đa phần là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hỏng hóc, hoặc đắt gấp nhiều lần so với giá thị trường. Nếu muốn mua các loại thực phẩm chức năng, đồ điện gia dụng, người cao tuổi có thể nhờ con cháu đến các cửa hàng lớn lựa chọn. Đối với các thành viên trong gia đình cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo cho người cao tuổi biết một số chiêu thức có dấu hiệu lừa đảo, móc túi người cao tuổi, kể cả trên mạng xã hội hiện nay. 

 

Đồng thời, khi phát hiện các nhóm người, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh việc cho mượn địa điểm tổ chức, vô tình tiếp tay cho các chiêu trò này. Thiết nghĩ, trong khi cả xã hội, các cấp, các ngành đang dành nhiều sự quan tâm chăm lo cho người cao tuổi thì vẫn có những nhóm người lợi dụng sự cả tin, thật thà để lừa gạt, bán hàng kém chất lượng để kiếm lời. Đây là việc làm cần phải lên án mạnh mẽ và cần sớm chấm dứt để người cao tuổi được hưởng những gì tốt đẹp nhất. 

 

Nguồn baoninhbinh.org.vn