UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91469

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 29

Hôm qua: 0

Cảnh giác với các loại tội phạm

Thứ ba, 19/03/2024

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong những năm qua luôn được giữ vững.

 

Cảnh giác với các loại tội phạm

 

Công an huyện Hoa Lư tập huấn nghiệp vụ cơ bản cảnh sát, phần mềm điều tra hình sự cho Công an cấp xã. Ảnh: Quốc Huy

 

Tuy vậy, Ninh Bình cũng có hầu như đủ các loại tội phạm như: giết người, hiếp dâm, cướp, cưỡng, trộm cắp tài sản, mua, bán người, ma túy, hối lộ, vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường.... Đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng có diễn biến phức tạp, nhất là đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng với số tiền lớn. 

Cụ thể như vụ Công an tỉnh triệt xóa đường dây tổ chức đánh bạc trên các website (tự thiết lập) bằng hình thức chẵn, lẻ, tài, xỉu thông qua mã chuyển tiền của ví điện tử momo do Trịnh Việt L, sinh năm 1987 ở thành phố Tam Điệp cầm đầu cùng với các đối tượng khác. Kết quả điều tra xác định từ tháng 8/2021 đến ngày bị bắt, các đối tượng tổ chức cho hơn 20.000 người trên cả nước truy cập vào các trang website để đánh bạc. Bước đầu xác định, từ ngày 01/12/2022 đến 09/01/2023, số tiền các đối tượng sử dụng để đánh bạc là trên 400 tỷ đồng.... 

 

Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn có các hình thức, thủ đoạn như: giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, cơ quan thực thi pháp luật gọi điện hoặc sử dụng mạng xã hội (zalo, facebook) dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 

 

Đến nay, tỉnh Ninh Bình là địa bàn không có tội phạm hoạt động băng, nhóm theo kiểu xã hội đen có tổ chức mà chủ yếu là mang tính đơn, lẻ. Năm 2023, các loại tội phạm cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản lại có chiều hướng gia tăng. Cụ thể là: tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra 24 vụ, tăng 05 vụ so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, bột phát trong sinh hoạt hay mâu thuẫn do vay, nợ, tranh chấp đất đai, tài sản. Cướp giật tài sản xảy ra 20 vụ, tăng 11 vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra 10 vụ, tăng 07 vụ.... Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 27 vụ, tăng 12 vụ so với năm 2022 bằng các thủ đoạn như cắt, ghép, chỉnh sửa hình ảnh kết quả chuyển tiền mobile banking; dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân góp vốn mua, bán đất và rao bán hàng hóa trên mạng xã hội, nhận tiền đặt cọc rồi bỏ trốn... 

 

Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử rất nhiều vụ án và các đối tượng, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không để xảy ra sai sót, bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Kết quả đó đã trực tiếp góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

 

Từ "bức tranh" các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua có thể nhận thấy hoạt động của chúng đã được kiềm chế và kéo giảm, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ phức tạp, khó lường. Điều đó đòi hỏi lực lượng chức năng và nhất là mỗi người dân phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm. 

Các cơ quan truyền thông, lực lượng Công an, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều nhưng nếu người dân chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác, hoặc là hám lợi ích vật chất... sẽ sa bẫy lừa đảo trở thành nạn nhân của các đối tượng tội phạm. Nguy hiểm nhất là các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là loại tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao để xâm phạm, chiếm đoạt tài sản của tổ chức và cá nhân. 

 

Bọn tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo một cách nhanh chóng và khi bị phát hiện ít để lại dấu vết, hoặc khó có khả năng thu hồi tài sản mà chúng chiếm đoạt. Hiện nay, số người dùng điện thoại thông minh để truy cập INTERNET và các mạng xã hội rất nhiều. Đây là một thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhưng cũng là một "mảnh đất màu mỡ" cho bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao có nhiều hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, làm cho số lượng vụ bị lừa đảo tăng, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến nhiều người lo lắng. Mới đây, các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo liên quan đến hình thức lừa đảo quét mã QR trên bưu phẩm có thẻ cào trúng thưởng. 

 

Bọn tội phạm dùng chiêu trò lừa đảo bằng cách gửi bưu phẩm tới nhà người dân, bên trong có thông báo trúng thưởng chứa mã QR. Nếu người dân quét mã QR để truy cập vào website giả mạo, bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ chiếm đoạt thông tin, tài sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, mọi người cần thận trọng khi quét mã QR, nhất là các mã người lạ gửi đến hoặc mã sử dụng ở nơi công cộng, chia sẻ qua mạng xã hội hay email. 

Cảnh giác với tất cả các loại tội phạm để giữ gìn cuộc sống bình an, hạnh phúc là điều hết sức cần thiết đối với tất cả mọi người. Đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, mọi người vừa phải đề cao tinh thần cảnh giác, vừa thường xuyên đọc báo, nghe đài, cập nhật thông tin để nâng cao nhận thức, hiểu biết về các phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. 

Bọn tội phạm công nghệ cao thường "đánh" vào sự yếu đuối tâm lý và tính hám lợi của "con mồi" để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, khi nhận được các cuộc gọi có đầu số lạ, hoặc tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước hay thông tin trúng thưởng, báo lĩnh hàng, nhận tiền... cần bình tĩnh, xem xét và liên hệ với người thân, bạn bè, Công an... để được tư vấn hoặc giúp đỡ. 

 

Theo Baoninhbinh.org.vn