UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91481

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 41

Hôm qua: 0

Cảnh báo đồ chơi bạo lực trong mùa Trung thu

Thứ tư, 07/09/2022

Tết Trung thu cận kề là lúc thị trường đồ chơi trẻ em bắt đầu sôi động, nhộn nhịp. Tuy nhiên bên cạnh những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thị trường cũng xuất hiện nhiều món đồ chơi độc hại, bạo lực tiềm ẩn các mối nguy hiểm đối với trẻ.

 

Cảnh báo đồ chơi bạo lực trong mùa Trung thu

 

Nhiều đồ chơi mang tính bạo lực được bày bán công khai tại các cửa hàng.

 

Theo khảo sát của phóng viên Báo Ninh Bình, đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em như gươm, súng, đao, kiếm,… được bày bán khá công khai tại một số sạp hàng, vỉa hè ở cả khu vực nông thôn và thành phố. Còn tại các cửa hàng đồ chơi lớn thuộc thành phố Ninh Bình thì việc bày bán các mặt hàng này có vẻ "kín đáo" hơn, nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

 

"Các mặt hàng này đều là hàng cấm nên phải cất vào trong nhà. Khi nào có khách hỏi thì mới mang ra. Đây đều là đồ chơi Trung Quốc được chúng tôi nhập từ các mối buôn cả tháng trước. Chứ giờ nhập là giá cao hơn mà thậm chí còn không có hàng đâu." - chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên địa bàn thành phố Ninh Bình chia sẻ.

 

Trên "chợ" internet, hoạt động mua bán cũng công khai và không kém phần sôi động. Trong các group "Chợ buôn sỉ đồ chơi giá xưởng", "Chợ đồ chơi Online",… vô vàn các loại đồ chơi bạo lực được chào bán như kiếm, đao nhựa, các loại súng bắn đạn nhựa, đạn mút, súng bắn nước,… với đủ loại mẫu mã, giá cả khác nhau.

 

Theo lời giới thiệu của nickname Thùy Vũ trong group "Chợ buôn sỉ đồ chơi giá xưởng", đối với các loại súng nhựa chỉ cần nhập từ số lượng 50 cái là sẽ được giá sỉ. Giá sỉ là 40 nghìn đồng/cái, bán ra thị trường khoảng 80-100 nghìn tùy loại. 

 

Còn đối với kiếm, có hai loại kiếm thường và kiếm đèn led phát nhạc. Giá của các loại kiếm này cũng chỉ từ 10 nghìn đồng/cái. Người này cho biết đây đều là các hàng được vận chuyển qua đường tiểu ngạch, không có hóa đơn, chứng từ gì cả. Phương thức giao dịch của họ là chỉ giao dịch qua mạng xã hội và số điện thoại để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

 

Đây đều là những mặt hàng trong danh mục cấm lưu thông, dịch vụ thương mại theo Quyết định 88/2000/QĐ-BTM và được khuyến cáo không nên cho trẻ em sử dụng nhưng vì lợi nhuận, các cửa hàng kinh doanh vẫn nhập và bày bán các mặt hàng này. 

 

Theo giảng viên Vũ Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn mầm non, Trường Đại học Hoa Lư: Đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe trẻ. Những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế, bao gồm cả loại nhựa đựng hóa chất độc hại, khi sản xuất thường không được làm sạch nên hóa chất sẽ khuếch tán ra ngoài, kết hợp chất phụ gia công nghiệp rất độc hại, ví dụ chất hóa dẻo là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi thì nguy cơ mắc hen suyễn rất cao. 

 

Để đồ chơi ấn tượng, màu sắc bắt mắt hoặc bền, dẻo hay rắn chắc, nhà sản xuất còn thêm một số chất như kẽm, đồng, thủy ngân, chì và các sơn màu giá rẻ có thể thẩm thấu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và ngấm qua da trong quá trình chơi gây ung thư cho trẻ. Vì vậy, đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao. 

 

Ngoài ra, đồ chơi nhựa không bảo đảm chất lượng khi qua xử lý nhiệt có thể thải ra khí clo, kết hợp lượng chất hóa dẻo sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản... 

 

Không chỉ gây ảnh hưởng về sức khỏe, theo các chuyên gia tâm lý, đồ chơi bạo lực còn gây tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã tiếp xúc với đồ chơi mang tính bạo lực như gươm, súng, pháo sẽ có thể tạo nên tính hung hăng, bạo lực sau này ở trẻ. 

 

Anh Phạm Tiến Đạt, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh lo lắng: "Con muốn mua một chiếc súng đồ chơi, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mua để con vui. Nhưng cứ thỉnh thoảng cháu lại lấy súng chĩa về người bố rồi nói "Bố, con bắn bố" làm mình cũng lo lắng."

 

Chị Nguyễn Thị Phương thì băn khoăn: "Vẫn biết đồ chơi trôi nổi là không tốt nhưng giá thành rẻ, hình thức bắt mắt nên rất thu hút các con. Trong khi đó thị trường đồ chơi nước ngoài có giá cao, còn đồ chơi Việt Nam thì chưa phong phú. Chúng tôi mong muốn thị trường đồ chơi Việt Nam phát triển và đổi mới hơn nữa để phụ huynh có nhiều lựa chọn."

 

Trước sự đa dạng của thị trường đồ chơi, cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn cho các con món đồ chơi thông minh, kích thích trí tuệ, tránh việc sử dụng các đồ chơi bạo lực có thể tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với sức khỏe và tính cách của trẻ. 

 

Giảng viên Vũ Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn mầm non, Trường Đại học Hoa Lư gợi ý thêm: "Cha mẹ có thể chọn đồ chơi đã gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN; đồ chơi từ các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. 

 

Ngoài ra, cha mẹ tận dụng nguyên vật liệu phù hợp từ thiên nhiên hoặc phế liệu an toàn, thân thiện để làm ra những đồ chơi truyền thống cho con: như diều, làm đèn lồng, đèn sao, mặt nạ,… Bên cạnh đó, cha mẹ dành nhiều thời gian cho con, cùng con chơi những trò chơi dân gian, trải nghiệm để các con tránh xa việc làm bạn với những trò chơi bạo lực."

Nguồn baoninhbinh.org.vn