UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91472

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 32

Hôm qua: 0

Các địa phương mở rộng diện tích lúa cấy

Thứ tư, 05/07/2023

Trước nhược điểm của gieo sạ là phải sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo, vụ mùa năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi từ gieo sạ sang cấy máy và cấy tay.

 

Các địa phương mở rộng diện tích lúa cấy

 

HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Mô chuẩn bị mạ khay cho sản xuất vụ Mùa.

 

Vụ Đông xuân 2022-2023, lần đầu tiên HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Mô triển khai mô hình mạ khay, cấy máy. Đánh giá sau khi thu hoạch, năng suất lúa cấy máy cao hơn gieo sạ, chi phí vật tư nông nghiệp và công lao động giảm; đặc biệt, khắc phục được tình trạng lúa cỏ gây hại... Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, ở vụ Mùa này, nhiều nông dân trong xã tiếp tục chuyển từ gieo sạ sang cấy lúa bằng máy. 

Áp dụng phương thức cấy máy trong 2 vụ sản xuất vừa qua, ông Vũ Hồng Quang (xóm Trại Đanh) nhận xét: "Nhà tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng mà neo người, con cái lớn đi làm ăn xa nên mỗi khi vào vụ cấy hái là lo lắm, chạy đôn chạy đáo thuê mướn nhân công. Từ khi có dịch vụ máy cấy của HTX, vợ chồng tôi không phải làm ruộng vất vả, chỉ cần giám sát và nhận ruộng khi máy cấy xong. Chi phí cả giống, công cấy gói gọn có 300 nghìn đồng/sào, vừa rẻ, vừa tiện". Được biết, vụ Mùa năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Thành gieo cấy 168 ha lúa, trong đó diện tích cấy bằng máy mở rộng lên 25 ha. 

 

Ông Trịnh Quốc Quân, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, Tổ dịch vụ mạ khay, cấy máy của chúng tôi không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi phương thức gieo cấy của người dân trong xã mà còn ký kết làm dịch vụ cho các xã lân cận như: Khánh Thành, Yên Thái, Yên Mạc, Mai Sơn với tổng diện tích gần 100 ha. HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh từng là một điểm nóng về nạn lúa cỏ, qua nhiều vụ kiên trì tuyên truyền, vận động xã viên, đến vụ Mùa 2023 này, toàn bộ diện tích lúa của HTX đã chuyển từ gieo sạ sang cấy. 

 

Phó Giám đốc HTX Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Đặc thù của địa phương những năm trước đây là gieo sạ 100% diện tích ở cả 2 vụ lúa nên tình trạng lúa cỏ xuất hiện nhiều, dẫn đến một số diện tích không được thu hoạch, nông dân chán nản. Khắc phục hạn chế này, năm 2018, HTX thí điểm đưa máy cấy vào sản xuất. Ban đầu cũng có người dân còn chưa tin, sợ máy cấy thưa, cấy nông làm giảm năng suất. Qua những mô hình làm thí điểm, đến nay, xã viên đều thấy được hiệu quả, vừa giảm tỷ lệ lúa cỏ, vừa bảo vệ môi trường sinh thái nên tất cả bà con xã viên đều đồng tình ủng hộ. 

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh: Trước đây, do áp lực mùa vụ cộng thêm tình trạng thiếu lao động nên Yên Khánh đã trở thành một trong những huyện đi đầu trong việc ứng dụng phương thức gieo sạ trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, phương thức sản xuất này đã bộc lộ nhiều hạn chế như: rủi ro cao về thời tiết, sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng hơn so với lúa cấy, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp với các địa phương vận động nông dân ngừng việc gieo sạ và chuyển đổi sang hình thức cấy máy, cấy tay gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ. 

 

Kết quả, vụ Đông xuân năm 2022-2023, tỷ lệ diện tích cấy tay, cấy máy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện đạt 50%, trong đó diện tích áp dụng cấy máy là 20%. Bước sang vụ Mùa 2023, huyện phấn đấu tăng diện tích lúa cấy lên 70% tổng diện tích gieo cấy. Sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng đang đứng trước những biến đổi rất lớn về lao động, khí hậu, thị trường. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm mang tính sinh thái, thân thiện với môi trường. 

 

Do vậy, chuyển đổi phương thức canh tác lúa, dần xóa bỏ hình thức gieo sạ gây ô nhiễm môi trường để chuyển sang hình thức cấy máy là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy trên đồng ruộng, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chủ động đăng ký tham gia cấy máy. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng để hình thành những vùng sản xuất lớn, tập trung. 

 

Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Cùng với việc xây dựng các mô hình điểm về sản xuất mạ khay cấy máy ở các địa phương để nhân dân "mắt thấy, tai nghe", hiểu rõ những lợi ích mà phương thức sản xuất này đem lại, Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật đồng hành, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất của mạ khay, cấy máy cho các địa phương, HTX, tổ dịch vụ. Bên cạnh đó, làm tốt nhiệm vụ kết nối các tổ dịch vụ mạ khay, máy cấy trong và ngoài tỉnh với các địa phương có nhu cầu, bảo đảm đúng tiến độ sản xuất. Toàn tỉnh đặt mục tiêu có 50% diện tích trồng lúa được áp dụng phương thức cấy trong vụ Mùa 2023 này, tiến tới loại bỏ phương thức gieo thẳng, gieo sạ trong những năm tiếp theo.

 

Nguồn baoninhbinh.org.vn