UBND xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của xã Yên Từ- huyện Yên Mô- tỉnh Ninh Bình
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
91440

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 69

Hôm qua: 0

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ XÃ YÊN TỪ (16/9/1947-16/9/2022)

Thứ sáu, 16/09/2022

           Yên Từ là xã có bề dầy lịch sử và truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong tiến trình đấu tranh đầy gian khổ hy sinh của Đảng và dân tộc. Đảng bộ và nhân dân xã Yên Từ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành, lãnh đạo phong trào cách mạng đi lên qua những chặng đường lịch sử vẻ vang, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và cả nước tiến hành Cách mạng Tháng tám thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi. Ngày nay chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

           Xã Song Khê trước đây, xã Yên Từ ngày nay, là một xã thuần nông gồm 7 thôn 12 xóm. Từ xa xưa đã xuất hiện các bậc hiền tài chung quân ái quốc. Dưới thời phong kiến thực dân, nhất là từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương gây nên nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần 1.200 người bị chết đói. Sự áp bức thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, địa chủ phong kiến làm cho nhân dân lao động vốn đã nghèo khổ càng thêm cơ cực lầm than bởi ách thống trị một cổ ba tròng. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước trong cao trào tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, trực tiếp là Huyện uỷ Yên Mô, nhân dân trong xã đã tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ đánh Pháp đuổi phát xít Nhật của mặt trận Liên Việt cùng với nhân dân trong Huyện, ngày 21/8/1945 đồng loạt nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân góp phần làm nên sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 02/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á; tiếp đến là cuộc tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

           Đứng trước nguy cơ chiến tranh lan rộng ra cả nước, cuối năm 1946 Uỷ ban Kháng chiến hành chính các cấp được thành lập. Trước yêu cầu cấp bách của tình hình và đòi hỏi bức thiết của phong trào, của quần chúng nhân dân trong xã. Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của xã trong tình hình mới, ngày 16 tháng 9 năm 1947, đồng chí Ninh Xuân Yêm được Huyện uỷ cử về triệu tập hội nghị tại nhà đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ tại thôn Nộn Khê. Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Phạm Phơn, Phạm Khuy. Đồng chí Ninh Xuân Yêm đã công nhận 3 đồng chí và tuyên bố quyết định thành lập chi bộ Đảng xã Song Khê. Theo giới thiệu của đồng chí Ninh Xuân Yêm, Chi bộ nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ làm Bí thư và đề ra một số chủ chương, biện pháp lãnh đạo.

 

           Sau khi thành lập chi bộ đã phát triển hàng chục đảng viên mới, trải đều ở các thôn trong xã tham gia trong tổ chức bộ máy của chính quyền, mặt trận Liên Việt các đoàn thể cứu Quốc, tuyên truyền vận động giác ngộ nhân dân tích cực chuẩn bị mọi mặt tham gia cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, phong trào cách mạng trong xã phát triển rộng khắp, toàn diện, quần chúng Nhân dân tin tưởng quyết tâm theo Đảng đến cùng bảo vệ chính quyền non trẻ, giữ vững độc lập tự do. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Song Khê là 1 yêu cầu khách quan, là kết quả phong trào cách mạng và sự giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân đồng thời là kết quả của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với phong trào yêu nước tại địa phương, là bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng xã Song Khê sang giai đoạn mới có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo.

 

           Bước sang năm 1949 địch hoạt động khá mạnh và có dấu hiệu đánh chiếm Ninh Bình. Để việc chỉ đạo kịp thời đáp ứng tình hình khẩn trương của kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chủ trương của Tỉnh Uỷ và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình tháng 6 năm 1949 Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Yên Mô có chủ trương sáp nhập địa giới các xã có quy mô nhỏ thành xã có quy mô lớn. Xã Song Khê, xã Hà Trung, xã Liên Phương sáp nhập thành xã Yên Nhân, đồng chí Nguyễn Luân làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến. Đại hội chi bộ được tiến hành tại thôn Bình Hải, thống nhất chủ trương lãnh đạo của Chi bộ xã sáp nhập 3 chi bộ thành chi bộ xã Yên Nhân và bầu đồng chí Bùi Văn Thân giữ chức Bí thư chi bộ. Tổng số đảng viên toàn xã lúc này là 182 đồng chí.

 

           Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ lực lượng dân quân và nhân dân trong xã đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chiến đấu ngoan cường, anh dũng. Ngày 23/10/1949 địch bắt đầu hành quân đánh chiếm khu vực Yên Mô, xã Yên Nhân là một trong những địa bàn chiến sự ác liệt, du kích xã tổ chức đánh chặn địch trên đường tiến công đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều lực lượng của địch.

 

           Dưới sự lãnh đạo của Cấp uỷ, Chính quyền, sự phối hợp giúp đỡ của các lực lượng vũ trang trong tỉnh, trong huyện, quân và dân trong xã đã đánh 15 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, phá 3 đồn bốt, bắt một số tề nguỵ, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Chúng ta đã huy động hàng trăm dân công phục vụ các chiến dịch lớn ở tại địa phương, quân và dân ta đã đào đắp hàng chục Km giao thông hào, hàng ngàn công sự, ụ súng chiến đấu, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến hàng chục cây vàng, hàng vạn đồng công phiếu, trái phiếu quốc gia phục vụ kháng chiến. Phục vụ hàng ngàn lượt bộ đội; cán bộ ra, vào vùng địch hậu; hàng trăm người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, bên cạnh những thành tích nêu trên, quân và dân xã nhà cũng đã chịu nhiều hy sinh, mất mát: 18 đồng chí cán bộ, đảng viên và du kích đã trực tiếp chiến đấu và hy sinh. Nhiều người đã hy sinh anh dũng ngay trước mũi súng và lưỡi lê của kẻ thù trên đất quê hương. Đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 21 cán bộ, đảng viên và du kích của xã trong hang Trinh Nữ ngày 23 tháng 4 năm 1953 mãi mãi ghi trong tâm trí mọi người.

 

           Những hy sinh đóng góp của nhân dân xã nhà đã góp phần cùng với quân dân cả nước kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “vang dội 5 Châu trấn động địa cầu”.  

 

           Ngay sau ngày hoà bình được lập lại ở miền Bắc, miền Nam còn tạm thời bị chiếm đóng, Chi bộ đã bắt tay ngay vào việc lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh tiến hành cải cách ruộng đất thực hiện khẩu hiệu: “người cày có ruộng”.

 

       Quán triệt đường lối cách mạng của Đảng là "Người cày có ruộng" theo tinh thần Nghị quyết, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo tiến hành cải cách ruộng đất trên địa bàn toàn xã. Cải cách ruộng đất là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, do đó chi b đã triển khai thực hiện với tinh thần rất nghiêm túc.

 

        Cải cách ruộng đất đã kết thúc thắng lợi. Toàn bộ giai cấp địa chủ ở Yên Nhân lúc bấy giờ đã bị đánh đổ. Xoá bỏ quyền chiếm hữu về ruộng đất của chế độ phong kiến. Ruộng đất được chia lại cho nông dân. Khẩu hiệu người cày có ruộng đã trở thành hiện thực. Người nông dân được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến. Từ những tá điền làm thuê, người nông dân đã thực sự trở thành người làm chủ, là lực lượng cơ bản của Mặt trận dân tộc thống nhất và là chỗ dựa vững chắc của cấp uỷ, Chi bộ đảng, của Chính quyền dân chủ nhân dân.

 

        Tháng 10 năm 1956 xã Yên Nhân được chia tách thành 2 xã đó là Yên Nhân và Yên Từ. Tháng 11 năm 1956 Đại hội chi bộ xã Yên Từ được tiến hành, về dự Đại hội Chi bộ có 40 đảng viên. Đại hội nghiêm túc đánh giá ưu, khuyết điểm đề ra phương hướng mục tiêu nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Động viên cán bộ, nhân dân phát huy thắng lợi, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá - xã hội, thiết lập quan hệ sản xuất mới, ổn định và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

 

        Tháng 12 năm 1957 Chi bộ xã Yên Từ đã tiến hành Đại hội lần thứ 2, Đại hội đã tập trung bàn biện pháp củng cố tổ đổi công- xây dựng tổ điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, xây dựng mạng lưới hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng. Đẩy mạnh các phong trào quần chúng và bầu Ban chi uỷ mới, bầu đồng chí Phạm Văn Đông làm Bí thư chi bộ.

 

        Đến tháng 12 năm 1960 xã Yên Từ đã cơ bản hoàn thành xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tất cả các thôn đều có hợp tác xã. Từ một nền kinh tế manh mún, lạc hậu, dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chúng ta đã từng bước đưa nông dân vào các tổ đổi công rồi tiến lên xây dựng các hợp tác xã. Sau 5 năm kể từ khi quê hương được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng, Chính quyền, nhân dân Yên Từ đã thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: khôi phục kinh tế, tiến hành cải cách ruộng đất thắng lợi và thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

 

        Tháng 12 năm 1961 thành lập Đảng bộ xã Yên Từ tiến hành Đại hội, về dự Đại hội có 60 đảng viên. Đại hội quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và các Nghị quyết cp y các cp, bàn phương hướng thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; thành lập ở mỗi hợp tác xã một Chi bộ theo Điều lệ Đảng. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí do đồng chí Đặng Văn Năng làm Bí thư. Tháng 10/1963 Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 4 được tiến hành, Đại hội khẳng định thành tựu sau 2 năm, đề ra mục tiêu giải pháp tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trên địa bàn xã Yên Từ. Đại hội bầu đồng chí Tạ Hữu Từ làm Bí thư đảng bộ. Nhìn lại 5 năm thực hiện kế hoạch lần thứ nhất trên địa bàn xã Yên Từ, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã giành được nhiều thắng lợi to lớn: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, văn hoá xã hội phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, trật t an toàn xã hi luôn được giữ vững.

 

        Trong thời kỳ chống Mỹ cứu Nước cùng một lúc Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt hai nhiệm vụ vừa sản xuất, chi viện cho chiến trường, vừa phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế Quốc Mỹ. Với tinh thần "thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người". Đảng bộ và Nhân dân Yên Từ đã tiễn đưa gần 800 thanh niên lên đường nhập ngũ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường, huy động hàng nghìn lượt người phục vụ chiến đấu, đắp ụ súng, xây dựng trận địa tên lửa, trận địa phòng không 12,7 ly, bốc dỡ vận tải hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đã huy động đóng góp cho Nhà nước hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 

        Sau khi thống nhất đất nước, Đảng bộ tiến hành Đại hội vào tháng 5/1975. Đại hội xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là: đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1975 và các năm tiếp theo. Đại hội bầu Ban chấp hành khoá mới, đồng chí Ngô Xuân Viện được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Năm 1976 thực hiện Quyết định của Chính phủ về việc sáp nhập xã Yên Từ với xã Yên Phong thành xã Yên Phong. Xã Yên Từ cắt hai thôn Trung Đồng và Phương Nại cùng chi bộ Liên Phương sát nhập địa bàn xã Yên Nhân và trực thuộc Đảng bộ xã Yên Nhân. Các thôn còn lại thuộc xã Yên Từ vẫn giữ nguyên tên gọi và đơn vị hành chính đều sáp nhập thành xã Yên Phong. Ngay sau khi sáp nhập, Huyện uỷ chỉ đạo kiện toàn nhân sự, ổn định tổ chức theo xã mới, phân công công tác cho các uỷ viên Ban chấp hành, đồng thời ổn đinh tổ chức bộ máy lãnh đạo Chính quyền Mặt trận đoàn thể của xã, thống nhất chủ trương lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng chí Ngô Xuân Viện, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Từ được cử giữ chức Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phong hợp nhất. Cũng trong thời gian này, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đã và đang đứng trước thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Tại biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, tập đoàn Pôn Pốt Iêng - Xa - Ri đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam, gây biết bao đau thương tổn thất về người và của cũng như quan hệ 2 nước Việt Nam - Campuchia. Tại biên giới phía Bắc nước ta, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân đội và binh lính khá lớn tấn công. Tình hình chiến s đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

 

        Ngày 10/01/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định s 02-QĐ/HĐBT chia tách xã Yên Phong (Huyện Tam Điệp) thành 2 xã: Yên Phong và Yên Từ. Xã Yên Từ gồm 7 thôn: Phúc Lại, Sa Lung, Phúc Khê, Xuân Đồng, Quảng Từ, Dân Chủ và Nộn Khê. Sau khi chia tách, Đảng bộ xã Yên Từ nhanh chóng ổn định tổ chức, bổ sung cán bộ Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở xã. Huyện uỷ quyết định đồng chí Bùi Đức Mược nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ xã Yên Phong làm Bí thư Đảng uỷ xã Yên Từ tái lập. Ngày 31/3/1985, Đảng bộ xã Yên Từ tiến hành Đại hội lần thứ I kể từ ngày tái lập xã. Đại hội đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, những thuận lợi, khó khăn của xã Yên Từ sau khi tái lập và đề ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình nhiệm vụ cách mạng nói chung và chủ trương tái lập xã nói riêng. Đại hội bầu Ban chấp hành khoá I, bầu đồng chí Đỗ Khánh Chi làm Bí thư Đảng uỷ và đến nay là khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025.

 

        Trong công cuộc đổi mới đất nước, đấy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ xã Yên Từ tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

 

        Với truyền thống yêu nước và cách mạng cùng sự anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân Yên Từ đã trở thành nền tảng, tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới và phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước cách mạng vẻ vang của quê hương Yên Từ, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Từ đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Kinh tế phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

 

        Sản xuất nông nghiệp bước đầu chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bền vững đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả có sự liên kết tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, toàn xã có 05 trang trại và hàng chục gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2021 đạt 162,5  triệu đồng.

 

        Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển khá, duy trì phát triển tốt làng nghề chiếu cói truyền thống Nộn Khê; phát triển thêm các nghề mới như nứa chắp, đan bèo, mây tre đan, một số cơ sở máy may xuất khẩu đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động của địa phương. Trên địa bàn xã có hàng ngàn lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề mộc, nghề nề, mở nhiều cơ sở xay sát, may mặc, thường xuyên duy trì hàng ngàn lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trong và ngoài tỉnh.

 

        Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng xã đã tranh thủ tốt các nguồn lực hỗ trợ của cấp trên cùng với thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường trục xã, thôn xóm, dong ngõ, giao thông nội đồng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nâng cấp, xây mới đưa vào sử dụng các công trình Trường tiểu học, Trường THCS, Trường Mầm Non và tiến hành trồng cây trồng hoa dọc các trục đường dong ngõ xóm, xây bồn, trồng hoa dọc các trục đường quốc lộ tỉnh lộ chạy qua địa bàn làm cho cảnh quan môi trường ngày càng xanh sạch đẹp. Công tác thu chi ngân sách hằng năm đều hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu được giao; tận dụng và khai thác tốt nguồn thu thường xuyên trên địa bàn đặc biệt là nguồn thu từ đấu giá, giá trị quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng. Chi ngân sách đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm chi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

        Lĩnh vực Văn hoá-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện. Hiện nay, xã cả 03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ hai. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và có sự chuyển biến tích cực, chất lượng mũi nhọn được quan tâm, trong các năm các trường đều có đội tuyển học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Phong trào xã hội hoá giáo dục phát triển mạnh, nhất là công tác khuyến học, khuyến tài đã được mở rộng ở các thôn, xóm, các dòng họ và có nhiều đổi mới đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của xã nhà ngày càng phát triển.

 

        Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển sâu rộng góp phần thiết thực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. Hằng năm, 100% thôn xóm đạt danh hiệu thôn xóm văn hóa, có 95 % số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, phong trào luyện tập thể dục thể thao quần chúng phát triển, 100 % các thôn, xóm đều có Nhà văn hóa và lắp đặt bộ dụng cụ thể dục để nhân dân tập luyện, hệ thống Đài truyền thanh xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

 

 

Phong trào văn hoá, văn nghệ tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc năm 2022

 

        Công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, đội ngũ Y, Bác sĩ đảm bảo phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được tăng cường. Nhất là trong công tác phòng chống đại dịch covid 19 và dịch sốt xuất huyết hiện nay.

 

        Công tác hướng nghiệp, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm. Các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

 

         Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Cấp ủy, chính quyền đã quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên trong sạch vững mạnh, phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

        Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt, công tác xây dựng Đảng được quan tâm trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ xã đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4-NQ/TW (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4-NQ/TW, (khóa XII) “ Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ”, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.

 

        Công tác xây dựng chính quyền được củng cố theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, quan tâm đổi mới lề lối, tác phong, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

 

        Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng rõ việc, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, thu được nhiều kết quả. Các phong trào thi đua phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng tham gia.

 

 

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng công nhận xã Yên Từ đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019

 

        Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Sau 8 năm tập trung xây dựng xã Yên Từ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng diện mạo nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện với thành tích trên tháng 12 năm 2019 xã Yên Từ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là kết quả bước đầu của Đảng bộ và nhân dân trong xã, để giữ vững và nâng cao chất lượng xã nông thôn mới kiểu mẫu cấp ủy chính quyền xác định phải tiếp tục tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác phối kết hợp chặt chẽ của MTTQ các đoàn thể nhất là sự vào cuộc của toàn thể nhân dân đang tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, mà nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

 

        Những kết quả, thành tựu trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân xã Yên Từ đạt được trong 75 năm qua đã và đang tạo ra diện mạo nông thôn khởi sắc cùng với sự đổi mới trong bức tranh chung của huyện nông thôn mới.

 

       

Ban Chấp hành Đảng bộ xã Yên Từ, nhiệm kỳ 2020- 2025

 

        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta còn một số tồn tại hạn chế đó là: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi còn chậm; công tác đảm bảo môi trường còn có mặt hạn chế, trình độ năng lực của một số ít cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực lãnh đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ của một số cấp ủy chi bộ còn hạn chế.

 

        Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ xã là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Phấn khởi trước những thành tích đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Từ càng ý thức sâu sắc  rằng phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, quyết tâm xây dựng và giữ vững xã nông thôn mới kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Tác giả: Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn- Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã